Các nhiệm vụ và quyền hạn Tổng_thống_Đức

Các nhiệm vụ đại diện là những nhiệm vụ đầu tiên của Tổng thống Đức như là nguyên thủ quốc gia. Tổng thống đại diện cho nước Đức về mặt luật pháp quốc tế, công nhận các đại diện ngoại giao và có quyền ân xá cho từng phạm nhân một ở mức liên bang, quyền này thường được giao một phần về cho các cơ sở liên bang khác. Nhưng ông không có thể ân xá chung (cho một tập thể). Việc này cần đến một điều luật liên bang.

Các nhiệm vụ và quyền hạn chính trị của tổng thống chủ yếu là về mặt nghi thức:

  • Ký tên và công bố các luật lệ liên bang thông qua phát hành trong Tờ luật liên bang (Bundesgesetzblatt).
  • Đề nghị Thủ tướng để Quốc hội liên bang (Bundestag) bầu và bổ nhiệm cũng như bãi nhiệm Thủ tướng.
  • Bổ nhiệm và bãi nhiệm các bộ trưởng liên bang theo đề nghị của Thủ tướng.
  • Bổ nhiệm và bãi nhiệm các quan tòa liên bang, các công chức liên bang, sĩ quan và hạ sĩ quan nếu như không có các quy định và nghị định nào khác.
  • Công bố "Trường hợp phòng vệ" (Verteidigungsfall) (khi nước Đức bị tấn công bằng quân sự) và trao các bảng tuyên bố theo luật lệ quốc tế sau khi cuộc tấn công bắt đầu.
  • Triệu tập Hội đồng tài trợ cho các đảng phái theo Luật về các đảng phái.

Trong tất cả các trường hợp này Tổng thống Đức là người thi hành đầu tiên. Theo điều 58 của Hiến pháp gần như trong tất cả các hoạt động trên đều cần phải có thêm một chữ ký đối chứng (countersignature) của một thành viên trong chính phủ liên bang. Điều này dẫn đến việc Tổng thống thỉnh thoảng bị châm biếm như là một công chứng liên bang.

Giải thể quốc hội liên bang và tình trạng khẩn cấp của pháp chế

Tổng thống chỉ có quyền hạn chính trị thật sự trong các trường hợp ngoại lệ được quy định chặt chẽ. Theo đó ông có thể giải thể Quốc hội liên bang trong hai trường hợp: Nếu như trong cuộc bầu cử Thủ tướng, ứng cử viên cho chức vụ Thủ tướng chỉ đạt đa số tương đối (đạt được số phiếu bầu nhiều nhất trong tổng số các phiếu nhưng không quá bán) trong cả ba lần bầu cử, Tổng thống có khả năng bổ nhiệm Thủ tướng (chính phủ thiểu số) hay giải thể Quốc hội liên bang (chương 63 của Hiến pháp). Trong trường hợp này quy định giải thể không cần đến việc ký đối chứng của chính phủ liên bang, thêm vào đó là cũng không có một chính phủ nào đương nhiệm cả.

Tổng thống cũng có thể giải thể quốc hội sau khi bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng bất thành (chương 68 của Hiến pháp). Trong lịch sử Cộng hòa liên bang Đức cho đến nay việc này đã xảy ra hai lần: năm 1972 Gustav Heinemann và năm 1983 Karl Carstens đã giải thể Quốc hội liên bang. Thật ra trong cả hai trường hợp trên tình huống này đã được các đảng cầm quyền chủ ý đưa đến để có thể tái bầu cử. Các thành viên của Quốc hội liên bang đã kiên quyết giải thể ông Carstens. Trong một phán quyết, Tòa án Hiến pháp Liên bang đã trình bày quan điểm là Tổng thống có trách nhiệm phải xem xét Thủ tướng thật sự không được đa số thành viên của Quốc hội liên bang tín nhiệm nữa hay ông có ý lợi dụng để giải thể Quốc hội liên bang. Mặc dù vậy cuối cùng Tòa án hiến pháp liên bang cũng đã xác nhận việc giải thể Quốc hội liên bang.

Trong trường hợp việc bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng bất thành và theo yêu cầu của Thủ tướng cũng như có sự đồng ý của Hội đồng liên bang (Bundesrat), Tổng thống có quyền nhưng không bắt buộc phải tuyên bố trường hợp khẩn cấp của pháp chế (Gesetzgebungsnotstand) theo chương 81 của Hiến pháp. Trường hợp này cho đến nay chưa xảy ra trong lịch sử của nước Cộng hòa liên bang Đức.

Bổ nhiệm và bãi nhiệm các thành viên chính phủ

Theo chương 63 của Hiến pháp, Tổng thống đề cử một ứng cử viên để Hội đồng liên bang bầu vào chức vị Thủ tướng liên bang. Thông thường đều có các cuộc nói chuyện với các chính trị gia có liên quan trước đề nghị này. Trên hình thức pháp lý Tổng thống có quyền tự do đề nghị, nhưng cho đến nay tất cả các Tổng thống đều đề nghị ứng cử viên của đảng thắng cử trong cuộc bầu cử Quốc hội liên bang vào cương vị Thủ tướng và tất cả các ứng cử viên này đều được bầu. Trong trường hợp ứng cử viên do Tổng thống đề nghị không được bầu, Quốc hội liên bang có thời gian hai tuần để bầu một Thủ tướng không phụ thuộc vào đề nghị của Tổng thống. Trong mọi trường hợp Tổng thống đều phải bổ nhiệm ứng cử viên đạt đa số phiếu tuyệt đối. Nếu một cuộc bầu cử với đa số phiếu tuyệt đối trong vòng hai tuần và ngay cả lần bầu cử thứ ba sau đó không thành công, Tổng thống có thể bổ nhiệm một chính phủ thiểu số hay giải thể Quốc hội liên bang. Trong trường hợp này Tổng thống không cần đến một chữ ký đối xác của chính phủ. Việc bổ nhiệm Thủ tướng liên bang cũng không cần đến một chữ ký đối xác trong mọi trường hợp.

Tổng thống phải bổ nhiệm các bộ trưởng do Thủ tướng đề nghị. Ông chỉ có nhiều nhất là quyền thẩm tra về mặt hình thức như xem xét các ứng cử viên có phải là người Đức hay không; Tổng thống không có quyền thẩm tra về nhân sự.

Trong việc bãi nhiệm bộ trưởng, Tổng thống cũng không có quyền cùng quyết định. Ông phải chấp nhận về hình thức quyết định của Thủ tướng.

Tổng thống không có thể từ chối khi Thủ tướng xin từ chức, ông phải bãi nhiệm Thủ tướng trong mọi trường hợp. Khi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng thành công, Tổng thống bắt buộc phải bãi nhiệm người đang nhiệm và bổ nhiệm người mới được bầu vào chức vụ này.

Theo chương 69 của Hiến pháp, Tổng thống có thể yêu cầu Thủ tướng hay bộ trưởng đã được bãi nhiệm tiếp tục điều hành công việc cho đến khi bầu người kế nhiệm. Theo lệ thường các Tổng thống đều làm như vậy. Ngoại lệ duy nhất là việc bãi nhiệm của Willy Brandt sau khi ông từ chức vào năm 1974. Khi ấy Brandt xin được phép không tiếp tục điều hành công việc. Heinemann đã chấp thuận nguyện vọng này vì thế phó Thủ tướng Walter Scheel vừa được bãi nhiệm đã đương nhiệm Thủ tướng trong vài ngày. Để đáp ứng nguyện vọng này Tổng thống cũng không phải cần đến một chữ ký đối xác.

Tổng thống không có quyền cùng quyết định khi bổ nhiệm các phó Thủ tướng. Quyết định này hoàn toàn thuộc về Thủ tướng.

Liên quan